Dẫn chúng tôi đến thăm xưởng may gia công của gia đình vào đầu giờ sáng, người lao động đã hối hả, tất bật với nhiều công đoạn để chạy sản phẩm theo số lượng đơn đặt hàng. Một hệ thống máy may hơn 50 chiếc chạy hết công suất, lao động chăm chỉ chạy máy để tăng năng suất nhưng vẫn đảm bảo kỹ thuật từng đường kim mũi chỉ. Chị Cẩm cho biết: “Tôi học nghề khác nhưng lại đam mê làm kinh tế. Duyên đưa tôi đến với nghề cách đây 6 năm, lúc đó tôi làm chung với chị gái. Sau 4 năm, công ty mẹ có nhu cầu mở cơ sở may gia công và tôi đã mạnh dạn bàn với gia đình vay mượn, cùng với vốn tích lũy của gia đình để tách ra mở xưởng riêng. Cơ sở 1 tôi thuê của hộ dân cách xa khu dân cư nên việc hoạt động của xưởng không gây tiếng ồn đến sinh hoạt của người dân và khá rộng rãi để tập kết nguyên liệu, để xe cho người lao động. Nhận thấy việc may túi xách dùng trong siêu thị tương đối nhẹ nhàng, phù hợp với rất nhiều đối tượng phụ nữ, nhất là những người lớn tuổi, tôi mở thêm cơ sở thứ 2 tại xã Xuân Dương (Thường Xuân) với hơn 50 máy. Cả hai cơ sở tôi đều trực tiếp quản lý và tạo việc làm cho hơn 100 lao động đứng máy và nhiều lao động phụ”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề may túi xuất khẩu khá đơn giản. Lao động chưa biết nghề cũng có thể làm được chỉ sau vài ngày công ty dạy nghề may, hướng dẫn làm các công đoạn phụ khác để hoàn thiện sản phẩm. Do vậy, lao động làm ở 2 cơ sở của công ty chủ yếu là lao động nữ, làm gần nhà để có điều kiện chăm sóc gia đình. Một số chị có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo đã được công ty tạo việc làm để ổn định kinh tế gia đình. Tuy là công ty tư nhân, nhưng lao động ở đây vẫn được công ty hỗ trợ xăng xe, có lương chuyên cần, ngày lao động 8 tiếng... chế độ quyền lợi của người lao động luôn được bảo đảm nên người lao động yên tâm gắn bó và chuyên cần làm việc.

Chị Cẩm chia sẻ thêm: “Sau khi nhận vật liệu và mẫu từ công ty, tôi chia ra nhiều công đoạn để hướng dẫn chị em may thành phẩm như ráp thân, khâu miệng túi, ráp đáy, đóng quai... để đảm bảo chất lượng sản phẩm ngay từ đầu. Cứ 3 ngày công ty hoàn thiện một mã sản phẩm do công ty mẹ đặt hàng, mã sản phẩm rất phong phú, có những mã hàng 400 mẫu. Do đó người lao động phải luôn tập trung và làm đúng theo mẫu để hàng không bị trả lại, đồng nghĩa với nâng cao mức thu nhập. Bình quân mỗi lao động có thu nhập đạt từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng”.

Chỉ sau gần 3 năm hoạt động, chị Cẩm có 2 cơ sở sản xuất, từng bước mở rộng quy mô và thành lập 2 công ty gồm Công ty TNHH may Phúc Tiến tại xã Hợp Lý và Công ty may TK 668 tại xã Xuân Dương. Mỗi công ty xuất xưởng 400.000 túi, sản phẩm được làm từ chất liệu hạt nhựa tự hủy thân thiện với môi trường. Lao động luôn có việc làm ổn định ngay cả trong đợt dịch bệnh COVID-19.

Là hội viên phụ nữ của xã Hợp Lý, chị Cẩm không những biết cách làm giàu cho bản thân, gia đình, mà chị còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn cùng nhau vươn lên thoát nghèo. Bản thân chị được hội LHPN các cấp biểu dương là nhân tố điển hình về phát triển kinh tế, luôn chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động do các cấp hội phát động. Chị phối hợp với tổ chức hội đào tạo nghề cho 65 hội viên phụ nữ thuộc các chi hội trong xã. Ngoài ra, công ty còn thường xuyên ủng hộ các cuộc vận động của hội phát động; ủng hộ việc xây dựng nhà văn hóa thôn đạt chuẩn nông thôn mới, ủng hộ làm đường bê tông nội thôn với tổng số tiền trên 32 triệu đồng...

Bài viết liên quan